Hợp tác xã dịch vụ và phát triển nông nghiệp 19/5 – Chặng đường xây dựng và phát triển

HTX dịch vụ phát triển Nông nghiệp 19/5(19/5 Agr co-op) thành lập năm 2000 tại thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu – Sơn La. Mục tiêu chính là phát triển nông nghiệp Tây Bắc bằng nghiều hướng: Trình độ canh tác, tiến bộ kỹ thuật, vận dụng đặc thù vùng … nhằm nâng cao giá trị sản xuất Nông nghiệp trên đồng ruộng đem lại thu nhập cao hơn. Trên nguyên tắc “Nông dân có lợi trước – HTX có lợi sau” ban quản trị đã xác định rằng đó là một công việc vô cùng vất  vả, đầy khó khăn và rủi ro nếu chỉ nhìn vào góc độ kinh doanh. Trong khi tiềm lực tài chính  và trình độ của ban chủ nhiệm đủ khả năng để đầu tư vào lĩnh vực khác ổn định hơn, lợi nhuận nhiều hơn và an toàn hơn. Nhưng với”nguyên tắc” trên trải qua 12 năm HTX vẫn nhận thấy tính đúng đắn và bền vững – ở chỗ: Nông dân cần, HTX cần, Xã hội cần. Sự cần đó làm HTX tồn tại, bền vững và phát triển.

Giai đoạn hình thành: Từ 2000-2003

 HTX tập trung vào phát triển sản xuất và tìm kiếm các nguốn cung ứng vật tư đầu vào có uy tín, chất lượng, giá cả ổn định, trách nhiệm lâu dài cho sản xuất nông nghiệp bao gồm: Phân bón, thuốc BVTV, cây giống và nhận chuyển giao các tiến bộ KHKT. Nổi bật trong mối quan hệ từ đó đến nay với HTX có: Viện nghiên cứu Rau quả, Công ty TNHH Quốc tế Khánh Sinh, Viện bảo vệ thực vât, Viện nghiên cứu Ngô… Phía đầu ra, HTX chọn lọc các loại cây ăn quả phù hợp tiến hành trồng thử nghiệm tại vườn thực nghiệm của HTX để chọn ra những bộ giống có ưu thế nhất để tiến hành nhân rộng, tìm hiểu các biện pháp chăm sóc tốt nhất để cây phát triển tốt và cho năng suất tối đa. Thành quả của việc không ngừng tìm tòi đó là một danh sách các loại cây ăn quả ôn đới được coi là đặc sản Mộc Châu gồm Mận (03 giống), Đào chín sớm (02 giống), Bơ (02 giống) phân bố trên diện tích khoảng 3500 ha ước tính đem lại thu nhập cho nông dân Mộc Châu khoảng 50 tỷ đồng/năm.

Tuy nhiên, song song với việc đưa cây ăn quả dài ngày vào sản xuất để tạo sự ổn định lâu dài lại nảy sinh khó khăn. Câu hỏi đặt ra ở đây là từ 1-3 năm đầu giai đoạn kiến thiết chưa cho thu hoạch thì xã viên sống bằng gì? Trong sự trăn trở đó thì các phương án, kế hoạch lấy ngắn nuôi dài bắt đầu được áp dụng. Nhận thấy điều kiện sản xuất và trình độ kỹ thuật của xã viên phù hợp với việc sản xuất quy mô và thâm canh cao cộng với mối quan hệ với các tổ chức uy tín, HTX đã lựa chọn việc gia công sản xuất giống F1 với các Viện, Công ty đã cho hiệu quả tốt và vẫn duy trì đến ngày hôm nay. Mỗi vụ sản xuất giống kéo dài 05 tháng đem lại thu nhập bình quân 60 triệu đồng/ha/vụ. Sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa cũng được phôi thai từ đó, Thương hiệu ” Rau sạch Mộc Châu” được ra đời và phát triển mang lại doanh thu tới 500 triệu đồng/ha/năm.

Vậy là giai đoạn đầu theo định hướng của HTX là tập trung vào sản xuất đã thể hiện sự phù hợp và thành công bước đầu tạo ra mảng phối hợp tuần hoàn để có được hiệu quả cao trong cùng diện tích đất. Song mỗi thuận lợi lại đi đôi với thử thách. Vấn đề lớn nảy sinh đe dọa đến sự tồn vong của Mận, loại cây trồng đặc sản và truyền thống của Mộc Châu là khi năng suất cao, diện tích lớn thì đầu ra ở đâu? tiêu thụ như thế nào? là một vấn đề nhức nhối và nan giải.

Giai đoạn xây dựng 1: Từ 2003 – 2006. Định hướng mục tiêu phát triển

Phải nói rằng đây là là giai đoạn khủng hoảng thừa của Mận. Đến chính vụ Mận rẻ như cho, bán 20kg Mận mới đủ tiền mua 1kg gạo, Mận ế ẩm không bán được, đổ đi còn bị phạt. Đến mùa Mận, cứ thẳng Quốc lộ 6 hướng Tây Bắc, không cần mở mắt khi ngửi thấy mùi chua chua kiểu mật ong của hoa quả đang bị phân hủy thì chắc chắn đã đến Mộc Châu. Người dân ngao ngán không thèm hái để rụng đỏ gốc, một số chủ vườn đành chặt bỏ để trồng ngô, sắn. Thảm kịch đó của cây Mận đã thôi thúc HTX phải tìm ra một lối thoát cho cây Mận, phải chế biến Mận thành một loại sản phẩm, hàng hóa không phụ thuộc quá nhiều vào thời vụ và hướng bảo quản tự nhiên. Chế biến rượu từ Mận là phương án rất mới mẻ nhưng HTX đã lựa chọn và quyết tâm thực hiện. Năm 2004 dự án chế biến Rượu từ quả Mận chính thức được HTX khởi xướng và chủ trì thực hiện. Cùng đó mẻ Rượu Mận đầu tiên được trưng cất thành công.

Năm 2005 với các nỗ lực của mình, HTX đã may mắn được tổ chức ASODIA – Vùng Midipyréneés (Pháp) quan tâm và hỗ trợ HTX trong việc mua thiết bị chuyên cất rượu hoa quả, một việc nữa cũng không kém phần quan trọng trong nội dung hỗ trợ là ASODIA đã đưa chuyên gia về rượu hoa quả giúp HTX trong kỹ thuật chế biến. Ông Jacqueslanies người đầu tiên đặt nền móng kỹ thuật chế biến theo công nghệ truyền thống của Pháp (quê hương của rượu) tại HTX trong nhiều năm liền. Phải nói rằng đây là tổ chức đã thúc đẩy sự phát triển ý tưởng của HTX thành hiện thực. Ngoài ra cũng phải kể đến sự giúp đỡ không nhỏ của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La để hoàn thành công nghệ chế biến Rượu Mận hậu

.

Giai đoạn xây dựng 2: từ 2007 – 2010 Củng cố và trưởng thành.

Qua sự nỗ lực  của bản thân HTX và những sự giúp đỡ quý báu, Rượu Mận Mộc Châu chính thức có tên trong loại rượu đặc sản và duy nhất tại Việt Nam được chế biến từ 100% quả Mận. Đã được cấp bảo hộ tên thương hiệu, năm 2007 được tặng huy chương vàng – thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng.

Với tư duy nhà nông, việc tận dụng nguồn phụ phẩm sau chế biến (bã quả Mận) làm phân bón, giá thể trồng trọt. Nhờ đó HTX nhân giống và phát triển cây Dâu Tây tại Mộc Châu, một loại hoa quả có giá trị cao về mặt dinh dưỡng và kinh tế.

Tháng 10 năm 2007 nhờ sự ảnh hưởng của chuyên gia Jacques, tổ chức ASODIA đã giúp cho lãnh đạo HTX chương trình thực tập tại các nông trại Pháp. Qua chuyến đi này HTX đã củng cố chất lượng Rượu Mận qua quy trình chế biến thực tế tại các hầm rượu hoa quả nổi tiếng thế giới tại Cahor, Armanhag….  có cách đây vài thế kỷ.

Năm 2008, nhận thấy Ngô là loại nông sản có sản lượng lớn tại địa phương, dân tộc H’Mông ở đây vẫn nấu rượu từ loại lương thực này theo cách thủ công truyền thống và ủ men lá. Tuy nhiên việc nấu rượu từ Ngô khó hơn nấu từ Gạo do hàm lượng fufjon cao, nếu không xử lý tốt chất này sẽ rất có hại cho sức khỏe. Vì lẽ đó HTX đã cải tiến thiết bị, xây dựng quy trình chế biến khép kín Ngô thành Rượu Ngô Mộc Châu. Năm 2009 sản phẩm Rượu Ngô và Rượu Mận được nhận cúp vàng thương hiệu “Vì sức khỏe cộng đồng” , năm 2010 nhận cúp vàng “Thực phẩm an toàn và an sinh xã hội” của Bộ Nông nghiệp và Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tặng.

Cũng chính nhờ sự phát triển sản xuất nên mảng chăn nuôi cũng được HTX hết sức quan tâm, chú trọng do nguồn phụ phẩm từ chế biến dồi dào lại là nguồn thức ăn rất tốt cho Lợn địa phương, cá ao, gà ta, ngan, vịt… không những làm nguồn thực phẩm chính cho xã viên trong bộ phận sản xuất mà còn là nguồn thịt sạch cho thị trường khi HTX mở rộng hệ thống chăn nuôi, chuồng trại.

 

Năm 2009, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La công nhận nội dung ký kết hợp tác chính thức giữa HTX và tổ chức ASODIA, đánh dấu mốc quan trọng trong hợp tác giữa HTX và ASODIA nói riêng, tỉnh Sơn La và Midipyréneés nói chung.

Với mong muốn tiêu thụ nhiều nông sản cho bà con hơn nữa, HTX  đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất. Qua đề nghị giúp đỡ của HTX ASODIA đã giúp HTX mua mới hệ thống chế biến rượu thứ 02. Đề nghị được chấp thuận và hệ thống này được chuyển tới HTX tháng 04 năm 2010. Giữ vai trò là người bạn đồng hành đến cùng, ASODIA một lần nữa giúp HTX thêm về mảng kỹ thuật là bố trí vợ chồng nghệ nhân Jean Boisserie sang lắp đặt và hướng dẫn vận hành. Hệ thống chế biến thứ 02 được vận hành và hoạt động tốt đã giúp HTX và bà con xã viên tăng đàn lợn lên 800 – 1000 con, trong đó chủ yếu là lợn rừng lai lợn H’Mông.

Nguồn thức ăn sau chế biến cũng được 02 trại bò sữa của Công ty Giống bò sữa Mộc Châu dùng làm thức ăn cải thiện cho bò. Kết quả: Bò tiêu hóa tốt hơn, giảm thức ăn tinh, lượng sữa ổn định.

Ngoài sản phẩm là rượu hoa quả  quả Mận Mộc Châu, không dừng lại ở 01 sản phẩm là Rượu, năm 2010 HTX chế biến thành công thêm sản phẩm nữa là Mứt Mận dẻo,nâng cao giá trị quả Mận tươi lên 1,5kg Mận tương đương 1kg Gạo. Quy trình sản xuất được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sơn La giúp đỡ hoàn thiện. Sản phẩm Mứt Mận dẻo Mộc Châu (Dried Plums) được thị trường đón nhận như một đặc sản đặc trưng nữa của Mộc Châu.

Giai đoạn 3 –  Ôn định và phát triển: Từ năm 2011 đến nay

Nhờ các hoạt động sản xuất lên kết hữu cơ như trên, HTX hoàn thiện chuỗi sản xuất khép kín. Từ chăn nuôi HTX tận dụng lấy khí sinh học Biogas hỗ trợ chế biến, bình quân 20lit khí gas mỗi ngày tiết kiệm giá trị chất đốt khoảng 600 nghìn đồng. Có nguồn phân bón  hữu cơ tốt và dồi dào cho sản xuất được ủ đúng quy trình, thời gian nên khi bón lên đất được cải tạo rõ rệt giúp HTX phát triển hệ thống rau sạch hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ. Năm 2011 xây dựng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn Metro GAP – ký hợp đồng tiêu thụ với hệ thống Metro.

Tháng 05 năm 2011 ,nằm trong chương trình hợp tác với ASODIA là các đợt kiểm tra và nghiệm thu kết quả định kỳ, HTX tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp (ngài Jean francois) thăm và làm việc tại xưởng chế biến. Đại sứ ghi nhận kết quả hợp tác và đánh giá cao hiệu quả của mô hình.

Năm 2012 xây dựng mô hình sản xuất theo Viet GAP, kết hợp với Viện nghiên cứu Rau quả mở trên 60 lớp tập huấn cho trên 150 lượt nông dân quanh địa bàn. Mô hình sản xuất Cà chua – Susu theo theo tiêu chuẩn tại HTX được đông đảo bà con tham quan học hỏi, bước đầu tạo cơ sở nền tảng kiến thức và hiệu quả khi sản xuất theo tiêu chuẩn. Kết quả đạt được của mô hình là: Cà chua đạt năng suất gần 70 tấn/ha/vụ, Susu đạt 60 tấn/ha là dấu hiệu khả quan cho việc nhân rộng mô hình sản xuất sạch trong cộng đồng dân cư.

Về phía ASODIA – Nhận thấy cố gắng và tin tưởng vào những điều HTX sẽ tiếp tục làm được trên vùng đất của mình, tháng 03 năm 2012 ASODIA – Vùng Midipyréneés cấp kinh phí cho 02 cán bộ của HTX sang thực tập hoàn thiện các quy trình chế biến Mứt nhuyễn hoa quả (Confiture) tại xưởng ông Patrick Lesgards. Tại đây, kỹ thuật viên HTX đã được cấp xác nhận đạt yêu cầu về nắm bắt kỹ thuật chế biến. Học chế biến Mứt quả sấy dẻo (Dried fruit) tại xưởng Cabos – Mirabel, một xưởng nổi tiếng Châu Âu về cách pha chế rượu tại hãng “Denoix” nổi tiếng từ năm 1850 được xếp hạng “Văn hóa phi vật thể” của Pháp.

Hiện nay HTX có 55 xã viên kỹ thuật trực tiếp làm việc, 300 hộ nông dân liên kết với 6 dân tộc khác nhau cùng sản xuất ra các sản phẩm đặc thù của cao nguyên Mộc Châu, phù hợp với điều kiện và định hướng phát triển kinh tế của vùng, cung cấp cho thị trường những loại thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thực phẩm được cung cấp bởi HTX ngoài chỉ tiêu sạch còn có các loại thực phẩm có tính dược như Mùi tây, Bò khai, Cải chân vịt … hoa quả theo mùa như Mận chín sớm, Mận hậu, Đào, Bơ, Dâu tây …

Tương ứng với các loại hoa quả HTX chế biến các loại mứt trái cây ôn đới nguyên chất như: Mận, Đào (Mộc Châu), Xoài (Yên Châu), Dứa (Chiềng Ve). Các sản phẩm trực tiếp từ nông dân có áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quy chuẩn hy vọng được khách hàng gần xa ủng hộ, góp phần nâng cao giá trị của nông sản, làm phong phú bức tranh miền núi Mộc Châu.

Mục tiêu, định hướng phát triển đến 2015

Mục tiêu chung của HTX là tiếp tục duy trì và củng cố các mảng hoạt động hiệu quả, mở rộng mô hình sản xuất khép kín trong đồng  bào dân tộc tạo thành một hệ thống hàng hóa hữu cơ sạch và bền vững. Khuyến khích mở rộng hợp tác với các hộ nông dân trên địa bàn, đầu tư cơ sở hạ tầng cho các điểm có định hướng gắn bó lâu dài. Hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để xây dựng chuồng trại, hệ thống sản xuất.

Khi đã tạo được hệ thống sản xuất ổn định, HTX định hướng xây dựng chuỗi du lịch nông nghiệp, một ngành công nghiệp không khói và  hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con.

Khuyến khích khôi phục các nghề thủ công như thêu thùa, đan lát, rèn, dệt … HTX đứng ra ký hợp đồng bao tiêu các mặt hàng thủ công mà người dân làm ra, cam kết mua với giá trị tương ứng với sản xuất thủ công.

Định hướng đa ngành nghề để tạo sự ổn định trong nền kinh tế bất ổn và có thể vận dụng rộng rãi, tạo ra giá trị kinh tế ,góp phần an sinh xã hội.